Nên ứng xử với thị phi của người khác như thế nào?
Mỗi khi ta thấy chuyện thi phi của người khác thì tâm lý chung là rất tò mò và muốn “hóng” chuyện, ta cũng không hiểu sao những việc đó lại có sức hút đặc biệt đến vậy cơ chứ. Và đó là phản ứng rất tự nhiên của chúng ta khi có một sự kiện nào đó đang rất “hot”, gây xôn xao trên mạng xã hội, thực sự rất khó mà bỏ qua khi xung quanh ai cũng bàn ra tán vào.
Không những thế, không ít người còn đưa ra những bình phẩm, những lời khuyên, thậm chí là chỉ trích những gì mà họ cho là sai, họ cứ tưởng như mình là người đại diện công lý, nên đang đứng lên để lên tiếng, bảo vệ công lý vậy.
Điển hình như những sự kiện liên quan đến danh hài nổi tiếng, nữ ca sĩ nhận nhiều con nuôi hay ca sĩ thích làm từ thiện,.. có hàng trăm nghìn ý kiến được đưa ra rằng họ đã sai như thế nào, phải làm thế này mới đúng với tiền từ thiện, thế kia với con nuôi của mình mới phải, rồi nhận định rằng những người nổi tiếng kia là kẻ giả dối, không đáng tin,..
Vậy bạn là người đưa ra ý kiến nào trong số đó? Bạn có đứng ngoài thị phi của người ta, hay cũng “góp vui” bằng những loạt bình luận thiếu khiếm nhã?
Hãy xem cách Đức Phật ứng xử với thị phi của người khác như thế nào nhé!
Cùng thời của Đức Phật, có rất nhiều tôn giáo khác cùng song hành và ai theo tôn giáo này lại chê tôn giáo kia. Lúc này, có người trực tiếp hỏi Ngài về những quan điểm tu tập của các tôn giáo khác, Đức Phật thường không trả lời mà chỉ nói: “Hãy gác chuyện đó qua một bên” rồi Ngài giảng pháp và không đưa ra bình luận nào.
Có thể thấy, thái độ của Đức Thế Tôn với những việc như thế rất rõ ràng là không thích bàn tán về những vấn đề của người khác, Ngài chỉ quay sang tập trung vào việc của mình. Thế nên, ta cũng có thể học hỏi Ngài bằng cách giữ im lặng, không nên vội đồng thuận hay phủ nhận bằng quan điểm cá nhân về thị phi của ai cả, thời gian đó chỉ để dành mà tu thân mà thôi.
Vì sao nên im lặng?
Ta có thể học hỏi theo lời Phật dạy về thị phi, im lặng là cách giải quyết nhanh nhất khi nghe người ta nói về thị phi của người khác. Thực tế là lời nào mà ta nói ra vào lúc này cũng chẳng thể làm tình hình khá lên được, thậm chí còn “đổ thêm dầu vào lửa”, tiếp tay cho những người có ý định xấu không chừng.
Chúng ta không thể nào bình luận đúng về một quan điểm sống hay về đạo đức cá nhân của một người nào đó chỉ thông qua việc họ làm hoặc về sự cố của người ta. Kết luận vội vàng chỉ khiến tâm trí của ta khép lại, không chịu lắng nghe thêm bất cứ thông tin nào khác.
Thực tế, ta không thể đánh giá cả một con người qua một việc, huống gì là việc chê bai, chỉ trích ai đó sẽ khiến tự bản thân mình vướng vào khẩu nghiệp. Không thể vì một việc họ làm sai mà xem họ là người xấu xa, ta chẳng thể vì một chuyện nhỏ mà phủ định hết cả công sức của một người.
Người thực sự thông minh, hiểu biết luôn hiểu rõ lời nào nên nói, lời nào nên giữ trong lòng, nên biết đâu là điểm dừng của mình, chớ làm tổn thương người khác vì lời nói vô tình.
Nguyên tắc là khi không rõ việc gì thì tốt hơn hết nên biết giữ im lặng, chuyện không nên nói thì đừng nói, không nên nghe thì đừng nghe, không nên nhìn thì đừng nhìn. Một lời nói vô tình có thể hủy hoại người khác, do đó, không nói để tránh phạm sai lầm đáng tiếc, cũng không xem thị phi, không nghe thị phi, không truyền thị phi đi xa. Bạn có biết, những người ham thích chuyện thị phi thì cũng là người dễ vướng thị phi. Do đó, điều ta có thể làm đó là lựa chọn im lặng, nếu có nhìn thấu thì cũng im lặng, tránh xa thị phi, không coi khinh người khác.. Học cách không nghe thị phi, không xem thường hay bình luận về lỗi người khác, đó là cách tu tâm cho chính mình.
Ta chưa thấy hết mọi việc
Những gì ta thấy, biết chỉ là những gì ta muốn thấy, muốn biết, không hề phản ánh đúng sự thật. Hơn nữa, cách ta phân tích một sự việc chỉ đang phản ánh sự hiểu biết hạn hẹp của chính mình mà thôi. Vì chưa thấy hết mọi mặt của sự thật nên nhận định nào của ta vào lúc này cũng không hề công bằng.
Những gì ta biết chỉ là một góc độ nào đó, nếu muốn biết thêm lại mất thêm thời gian, trong khi đó, việc chẳng liên quan đến mình, ta đâu có muốn dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về một người, một việc cụ thể nào đó của họ, nên cũng chẳng thể nhận định vấn đề chính xác 100%.
Thế nên, nếu lỡ may ta vô tình bênh vực cho cái sai của họ thì ta đã khuyến khích cái xấu, nếu phủ định, bài xích thì có nghĩa ta đã vô tình phủ nhận luôn cái hay, cái tốt của người ta. Vì thế, những gì ta chưa rõ thì tốt hơn hết là không đưa ra bình luận, đừng chỉ vì đọc mấy câu nhận định của người khác mà đã “tức khí” cãi nhau, chửi bới trong các bài viết của người ta.
Một việc ta chưa thấy hết thì sao phân định được đâu Đúng, đâu là Sai, đó còn là chưa kể đến việc này còn mang tính tương đối, cái Đúng với người này có thể Sai với người khác, vì thế, đừng vội khăng khăng khẳng định rằng mình Đúng, người ta Sai!
Một sự việc luôn được nhìn nhận theo nhiều chiều
Một sự việc được đánh giá theo nhiều chiều nên dường như người nào đưa ra ý kiến của họ, rồi dùng đầy đủ các dẫn chứng để biện luận cho suy nghĩ của họ thì ta cũng thấy đúng, có lý, có vẻ logic.
Ví dụ như để đánh giá ông A sai, một trang báo sẽ ra một loạt bài chứng minh điều đó. Ngược lại, một trang báo khác cho rằng A đúng, họ cũng lần lượt xuất bản những bài kèm dẫn chứng cùng lời giải thích cụ thể.
Nếu là một người đứng ngoài để nhận định ta cảm thấy hoang mang vì dường như tờ báo nào cũng đúng, cũng có lý.
Có chuyện kể lại rằng, Hứa Kính Tôn là một vị tướng tài dưới thời vua Đường Thái Tông. Có lần, vua Đường Thái Tông gọi ông lại và hỏi:
– Trẫm thấy khanh không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều điều tiếng về khanh đến thế? Hứa Kính Tôn chắp tay thưa rằng: – Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân tầm tã như dầu, nông dân vui mừng vì mùa màng được tươi tốt, nhưng kẻ bộ hành lại khó chịu vì đường đi trơn trượt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên trời, bậc thi nhân nâng chén thưởng nguyệt, ngâm thơ, nhưng bọn đạo chích lại căm ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Thiên địa vốn vô tư không thiên vị, thế mà chuyện nắng mưa vẫn bị thế nhân oán trách. Còn hạ thần lại không phải người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích? Cho nên hạ thần trộm nghĩ, đối với lời thị phi nên bình tâm suy xét. Thiên tử tin lời thị phi thì quan thần bị hại; cha mẹ tin lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ; vợ chồng tin lời thị phi thì gia đình ly tán. Điều tiếng thế gian còn độc hại hơn rắn rết, sắc bén hơn gươm đao, giết người mà không thấy máu…
Câu chuyện trên cho thấy Hứa Kính Tôn biết rõ rằng chín người mười ý, chẳng thể nào làm hài lòng hết tất cả mọi người nên bản thân cũng như ai đó vô tình vướng vào thị phi là chuyện không tránh khỏi. Điều quan trọng là người nào tin vào những thị phi thì người đó thua thiệt, tự rước họa vào thân mà thôi.
Thế nên chúng ta cũng cần tỉnh táo, nếu ai đó nói ra điều gì cũng chỉ là góc nhìn của họ, đừng vội tin, đừng vội đánh giá hay đưa ra nhận định theo góc nhìn của đối tượng, có như thế mới mong tránh được họa gần, họa xa.
Chớ phí thời gian mà xen ngang chuyện của người
Người khác rơi vào thị phi đơn giản là họ không may bị những người không đồng quan điểm với họ chỉ trích. Trong khi đó, sống ở trên đời này không thể nào làm vừa lòng hết thảy mọi người. Luôn có những người ủng hộ, dù ta có làm gì đi chăng nữa họ vẫn ở bên cổ vũ, ngược lại luôn có những kẻ chê bai dù ta có nỗ lực, cố gắng đến thế nào đi chăng nữa.
Bạn có thể khen ngợi “gu” ăn mặc của tôi nhưng không nhất thiết ai trong thiên hạ cũng đồng tình, nhiều khi là do căn duyên có hợp với nhau hay không. Nên ta chỉ được lòng với người có duyên lành với mình, ngược lại đơn giản chỉ là khắc duyên mà thôi.
Hiểu được điều đó để bạn biết nên ứng xử với thị phi của người khác như thế nào. Chỉ cần nghĩ đơn giản rằng duyên của người ta đang có chút vướng mắc với nhau, họ cần tự tìm cách tháo gỡ, ta không nên xen vào giữa làm gì khiến sự việc thêm rối tinh.
Miệng của người mặc người nói, lời thị phi chỉ là chuyện trong thiên hạ, vĩnh viễn không phải là thước đo đánh giá một con người, còn ta hãy chọn cách im lặng, không xen vào chuyện người khác, chớ dại mà bình phẩm, hùa theo những kẻ kia. Bởi vậy, thay vì dao động trước những lời đàm tiếu, hãy dành thời gian để tu sửa bản thân.
Trong cuộc sống này, chỉ lo sống theo triết lý vạn sự tùy duyên, chuyện người ta đúng cũng được, sai cũng được. Nếu ta bình phẩm chuyện của người là đang lãng phí đi phút giây quý giá mình đang có được trong cuộc sống này.
Hơn nữa, cái đúng cái sai của mỗi người cũng chính là bài học mà họ cần phải trải qua, từ đó tìm cách điều chỉnh thái độ, nhận thức và hành vi mà người ấy phải tự chịu trách nhiệm, do đó ta không nên bình phẩm, xuyên tạc hay khuyên răn ai làm gì.
Xét theo góc nhìn Phật giáo, ai đó vướng chuyện thi phi cũng là do còn bất đồng, vẫn còn đối kháng và thậm chí vẫn còn oan trái với nhau từ quá khứ, có thể là từ kiếp này qua kiếp khác.. Nếu họ có nghiệp duyên với nhau thì âu cũng là bài học nhân quả của họ nên tự tìm cách xử lý, chúng ta không nên xen vào để cộng hưởng nghiệp duyên không lành ấy.
Việc đánh giá đúng sai lắm lúc cần thời gian, giống như khi trái cây chưa chín khó kết luận được ngọt hay chua, nếu quả lúc đang xanh mà ta vội hái xuống rồi cho rằng quả đó chua thì thật là vội vàng, thế nên cứ vội phán xét thì chính ta phạm sai lầm.