1. Câu chuyện về người lương thiện và ông lão lạ lùng
Ngày xưa có một người họ Vương trời sinh tính hiền lành, thích giúp đỡ người khác và coi đó là niềm vui. Ông Vương luôn một lòng hướng Phật nên còn được mọi người gọi là “ông Vương thiện lương”.
Một ngày nọ, ông Vương đến chùa rút quẻ, muốn xem bao giờ mình sẽ tu thành chính quả.
Một vị hòa thượng nói với ông: “Nếu như mỗi ngày ông đều kính Phật, dâng hương tới Ngài. Khi nào tro hương rụng đủ 3 tầng 6 đấu, ông mang tro hương đi về phương Tây gặp Phật Tổ nhất định sẽ thành chính quả.”
Ông Vương quay về thành kính làm theo lời dặn của hòa thượng. Ngày tháng trôi qua, sau vài năm rốt cuộc ông đã góp đủ phần tro hương như vị hòa thượng kia đã nói.
Vì thế, ông đã mua một con lừa để cho nó chở phần lớn tro hương, còn mình thì vác trên lưng một bao tro, lên đường đi gặp Phật Tổ.
Ông Vương và con lừa đi được một ngày, thấy mặt trời đã sắp lặn về núi Tây, ông Vương lúc này khát nước vô cùng nên chuẩn bị tìm một chỗ nghỉ ngơi.
Đúng lúc này, ông chợt thấy trên con đường phía Tây có một ông lão đứng chắn đường mình đi, người kia hỏi ông Vương: “Ông là người từ đâu đến, họ tên là gì? Sao lừa lại vác đồ nặng như thế làm gì?”
Ông Vương trả lời từng vấn đề một. Ông lão kia lại nói: “Được rồi, chúng ta đi chung đường rồi, nhất định là có duyên. Bây giờ tôi có một chuyện muốn nhờ ông giúp, không biết ông có đồng ý không?”
Ông Vương hỏi lại là chuyện gì, người kia nói: “Tôi đã đi suốt một ngày rồi, giờ quả thực không đi nổi nữa. Ông có thể để lừa của ông chở tôi một đoạn đường được không?”
Ông Vương rất khó xử, nhưng trong đầu lại nghĩ: Nếu cả đời mình đã tích đức hành thiện, giờ ông lão mỏi mệt cần giúp đỡ, sao mình có thể khoanh tay đứng nhìn được chứ?
Thế là ông liền vác nốt chỗ tro hương trên lưng lừa lên lưng mình rồi kêu ông lão cưỡi lừa lên đường.
Ông lão cưỡi lừa, có sức sống hơn rất nhiều, lại hỏi ông Vương: “Này! Ban nãy ông nói muốn đi đến đâu vậy nhỉ? Tôi già cả rồi nên quên thật nhanh!”
Ông Vương vẫn kiên nhẫn nói lại với ông lão: “Tôi đi đến Tây phương để bái kiến Phật sống, tỏ lòng thành kính của tôi.”
Ông lão kia đáp: “Ra vậy, tôi biết rồi.”
Đi đến khi trời tối, lại nghỉ trọ, ông Vương ngẫm nghĩ “Giờ lừa phải chở thêm một ông lão, vừa chậm, vừa mệt, biết đến bao giờ mới đến được Tây phương để bái kiến Phật sống đây? Không được, sớm ngày mai mình phải lên đường ngay, bỏ lại gánh nặng là ông lão này.”
Mới vừa tờ mờ sáng hôm sau, ông Vương quả nhiên dắt theo lừa, vác tro hương lặng lẽ lên đường.
Trên đường đi về phía Tây, ông lại gặp một ông lão đang ngồi ở bên đường của một thôn xóm. Người kia gọi ông Vương:
“Này, ông Vương. Ông làm gì thế? Tôi thấy ông là người rất tốt bụng, chúng ta nếu đã có duyên đi chung đường, sao ông lại không để ý đến người bạn này, bỏ đi mà không để lại một câu nào? May mà tôi dậy sớm nên không lỡ việc. Đến đây, đến đây, cứ để cho tôi cưỡi con lừa đồng hành một đoạn đường nhé!”
Ông Vương không thể từ tối, đành phải tiếp tục vác hết chỗ tro hương trên lưng lừa để ông lão cưỡi lừa.
Ngồi trên lưng lừa, ông lão lại hỏi: “Ông xem tôi già rồi, trí nhớ thật tồi tệ, hôm qua mới vừa hỏi ông xong hôm nay lại quên. Ông đi về Tây phương làm gì thế?”
Ông Vương hậm hực nhưng vẫn đáp một câu: “Đi Tây phương bái Phật.”
Qua một lát, ông lão hỏi tiếp: “Tôi nhớ ông họ Vương phải không, nhưng ông đi đâu làm gì tôi không nhớ nổi, phiền ông nói lại lần nữa được không?”
Ông Vương tích đầy lửa giận trong bụng, nhưng với người lớn tuổi “nhiệt tình” như vậy, ông không thể trút hết ra nên vẫn nhẫn nại trả lời một lần nữa.
Cứ như thế một ngày lại trôi qua, ông lão không biết đã hỏi mấy lần, ông Vương khó chịu vô cùng.
Trời tối mịt, hai người tìm chỗ ở, ăn cơm để dưỡng sức. Ông Vương nghĩ: “Lần này nhất định phải đi sớm hơn nữa, bỏ ông già phiền phức này ở lại!”
Vì vậy, ông Vương cho lừa ăn no rơm rạ và uống nước, thấy bên ngoài vẫn chưa tới canh ba, ông dắt lừa chở theo tro hương, lên đường trong đêm đen.
2. Một lòng muốn bái Phật nhưng nào biết Phật ở ngay bên cạnh
Ai ngờ ông Vương mới vừa đi đến cửa một thôn xóm khác, lờ mờ trông thấy một bóng người chặn ở cửa thôn:
“Ông Vương ơi ông Vương, uổng cho danh tiếng phúc hậu của ông nhưng sao ông không hề làm việc tốt vậy? Chúng ta kết bạn mà đi, tôi lại lớn tuổi, đi đứng chậm chạp nhưng sao ông không rủ lòng thương, cứ thế bỏ tôi lại mà đi. Đã vậy càng ngày càng đi sớm hơn, chỉ muốn vứt bỏ tôi, sao ông nhẫn tâm như vậy được?”
Ông Vương không nói được gì chỉ đành kìm nén lửa giận, lại lấy tro hương từ lưng lừa đeo lên vai.
Ông lão cưỡi trên lưng lừa, đi được mấy bước lại hỏi: “Ông Vương à, ông kiên trì đi suốt ngày đêm, rốt cuộc là đi đâu và có chuyện gì quan trọng đến thế nói cho tôi biết với?”
Lần này thì ông Vương không thể kiềm chế bản thân được nữa: “Cái ông già này, ông thật không hiểu nỗi khổ của người khác gì cả. Để ông cưỡi lừa, tôi thì vừa đi bộ vừa phải vác tro hương, vừa khổ vừa mệt thế mà hết lần này đến lần khác ông vẫn không biết điều, hỏi đi hỏi lại. Ông hỏi không mệt nhưng tôi trả lời mệt lắm rồi. Ông không có lương tâm hay sao?”
Ông lão nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi lưng lừa, chỉ vào ông Vương và nói: “Ông về nhà đi, không nên đi đến Tây phương làm gì, Phật sống sẽ không thu nhận một kẻ ‘tu Phật nhưng không tu tâm’ như ông.”
Nói xong, ông lão bay lên trời cao, biến mất sau vầng mây phía Tây.
Đến lúc này ông Vương mới bừng tỉnh hiểu ra: “Hóa ra ông lão này chính là Đức Phật sống!”
Ông Vương ngồi dưới đất, đấm ngực dậm chân vì vô cùng hối hận, nhưng làm vậy thì có ích gì, tất cả đã muộn rồi!
Người tu Phật nhưng không tu tâm, dù ngày ngày thắp hương niệm Phật cũng sẽ không bao giờ tu thành chính quả. Như vậy thì sao mong thoát khỏi khổ đau của cuộc đời?
3. Đã tu Phật nhất định phải tu tâm
Bất cứ ai tu theo đạo Phật (được gọi là Phật Tử), dù đã qui y hay chưa, tại gia hay xuất gia đều cần ghi nhớ điều quan trọng là “tu tâm”. Miệng tu Phật nhưng không tu tâm thì tất cả công quả tu hành đều là uổng phí.
Tu tâm nói cho đủ là tu tâm dưỡng tính. Vậy tu tâm là thế nào và tại sao ta phải tu tâm?
Ta thường hay than vãn và cũng nghe rất nhiều người than thở rằng: “sao cuộc đời khổ quá”. Tại sao vậy?
Sở dĩ cuộc đời có nhiều khổ đau là do chính con người tự làm khổ mình và khổ người khác, cũng bởi chính cái tâm: tham lam, sân hận và si mê gây ra. Tìm hiểu thêm: Thế nào là THAM, SÂN, SI? Làm sao để kiềm chế?
Vì có cái tâm tham lam nên con người thường mong có những thứ vật chất hào nhoáng, nhà cao cửa rộng, tiền tài dư dả, danh vọng lẫy lừng. Cho nên không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để có thể đạt được những lợi ích đo cho mình dù có phải bất chấp thủ đoạn, bất chấp sẽ gây đau khổ cho người khác.
Vì cái tâm sân hận, con người thường chấp nhặt những điều không được theo ý mình, ghi nhớ thù hằn những điều người khác làm mích lòng mình, sống để dạ chết mang theo, khắc ghi những việc người khác làm tổn hại, tổn thương đến lợi ích, danh dự của mình..
Vì cái tâm si mê, con người thường gây ra biết bao ác nghiệp, oán nghiệp, tà nghiệp mà không hề hay biết. Họ đòi hỏi những điều bất hợp lý, ích kỷ, lợi mình hại người, phá bỏ quy luật, lẽ thường, đạo đức.. trở nên vô nhân và tàn ác.
Bởi vậy, muốn được sống thanh thản, an yên và hạnh phúc, không còn chìm đắm trong bể khổ và cũng không gây khổ hay ác nghiệp cho người khác, ta nhất định phải biết tu tâm. Miệng mồm luôn nói tu Phật thôi là chưa đủ, tu tâm mới là quan trọng.
Tu tâm cũng chính là dẹp bỏ được cái tâm tham lam, sân hận và si mê đầu độc chúng ta. Muốn dẹp bỏ được ba thứ đó, ta nên tu tập trí thuệ, hành thiện tích đức, hiểu rõ đâu là luật nhân quả, biết buông bỏ khi cần, biết đâu là chính đâu là tà.
Chỉ khi nào biết bỏ qua những thứ vô ích, không cần thiết gây phiền nhiều cho cuộc sống thì cuộc đời của chúng ta sẽ bớt đi nhiều đau khổ do tâm si mê chi phối.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng cần giữ tâm thanh tịnh, chuyện gì qua rồi thì hãy cứ cho qua, không khăng khăng lưu giữ bất cứ hình ảnh nào dù yêu thương hay thù ghét.
Chúng ta nên học đạo hạnh của đất, dù nhận được những lời nói tán dương khen tặng hay chê bai, phỉ báng, sỉ nhục của thế nhân, người tu tâm đều biến chúng thành những đóa hoa tươi, tô điểm cho cuộc sống tu hành đạo hạnh của mình ngày càng tinh tiến.
Lắng nghe Lời Phật dạy về lời sỉ nhục: Lăng mạ người khác bao nhiêu, nghiệp báo nhận lại bấy nhiêu
Tu tâm cũng giống như con chim nhạn trên không, in bóng dưới mặt nước khi bay qua dòng sông. Chin nhạn bay qua rồi thì bóng dáng trên mặt nước cũng không còn. Đó là bởi vì chim nhạn không có ý lưu lại dấu tích, còn dòng nước cũng không có tâm lưu giữ hình ảnh của chim nhạn.
Làm được điều đó, cõi lòng chúng ta sẽ được nhẹ nhàng, thoải mái, thảnh thơi, cảnh giới trầm luân nào rồi cũng sẽ sớm vượt qua, hưởng một cuộc sống thanh tịnh, tự do tự tại.
Nhưng người Tây phương có câu: “Chiếc áo cà sa không tạo ra người tu sĩ”. Hay cổ nhân cũng có câu: “Tri nhân tri diện bất tri tâm”, nghĩa là: biết người, chỉ biết được mặt, thấy được hình tướng bên ngoài, không thấy biết được tâm địa bên trong.
Cho nên người hành giả có tu dưỡng buộc phải biết tu tâm dưỡng tính. Được như vậy thì mới được bước vào cửa đạo, an lạc trong biển pháp của chư Phật, giải thoát khỏi mọi phiền não và khổ đau. Giá trị của tu dưỡng – bạn chọn thành công hay thất bại?
Cuộc đời này là vô thường, nay còn mai mất, nay đây mai khác, muôn sự không có tồn tại vĩnh viễn bất di bất dịch, không có cái gì là không thay đổi. Cho nên chúng ta nhất định phải nhớ rằng, tu Phật phải đi kèm tu tâm. Tu Phật nhưng không tu tâm thì từ tốt rồi cũng thành xấu.
Lam Lam