Phật nói về người ban phước giáng họa
Thời Đức Phật còn tại thế, vua Ba Tư Nặc khá tò mò muốn hỏi Đức Thế Tôn một câu hỏi mà trong lòng còn nghi vấn mãi. Ngài thưa hỏi: – Đức Thế Tôn này có phải tất cả Bà La Môn sau khi chết sanh trở lại làm Bà La Môn chăng? Giai cấp Sát Đế Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà La cũng lại như thế chăng? – Thưa Đại vương, đâu phải như vậy được! Trên đời có 4 hạng người: Hạng người từ tối vào tối; Hạng người từ tối vào sáng; Hạng người từ sáng vào tối; Hạng người từ sáng vào sáng. Hạng người từ tối vào tối: Đó là người sinh ra trong gia đình thấp kém, phải đi sống nhờ, ở đợ, làm mướn, có người lại làm nghề đồ tể, lưới cá, giăng bẫy, đổ rác,.. Họ sống trong thiếu thốn khi cơm không đủ no, áo không đủ mặc, hay bệnh tật chết yểu, thân thể xấu xí, luôn làm các việc hạ tiện và đi theo kẻ khác làm việc hạ tiện, ấy gọi là tối.
Ở chỗ tối đấy, họ vẫn thân, khẩu, ý đều nghĩ tới việc ác, nhân ấy sau khi vào cõi dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu nhiều khổ báo; giống như người từ tối vào tối, luôn sống trong tối tăm, hắc ám, vô minh, đời này làm ác, đời sau làm ác, không biết tự mình thoát ra. Họ là người từ tối vào tối cũng là vì thế. Hạng người từ tối vào sáng: Cũng là người cũng sinh ra có hoàn cảnh tương tự như trên, thế nhưng khác ở chỗ dù đang ở trong chỗ tối nhưng người này thân, khẩu, ý luôn hướng tới điều tốt lành, hướng thiện, thích giúp người hoạn nạn.
Do nhân ấy sau khi chết được tái sanh có thể trở lại làm người giàu có, sung sướng; người từ tối vào sáng cũng lại như thế.
Hạng người từ sáng vào tối: Là người được sinh ra trong nhà cao quý, cuộc sống giàu có, gia đình nhiều tiền của, thân tướng tốt đẹp, trí tuệ, ấy gọi là người bước ra từ sáng.
Nhưng càng về sau, thân, khẩu, ý của họ lại hướng tới điều ác, và nhân này khiến họ sau khi chết bị đọa vào ba đường dữ chịu nhiều khổ báo, nếu có được trở lại làm người thì lại sinh ra trong hoàn cảnh khổ cực, nghèo khó; họ được xem là người từ sáng vào tối cũng lại như thế. Hạng người từ sáng vào sáng: Đó cũng là những người sinh ra trong gia đình hoàn cảnh tượng tư trên khi có cuộc sống sang quý, đời sống vương giả.
Họ dù hoàn cảnh nào cũng có thân, khẩu, ý tốt lành và hay khuyên nhủ mọi người cùng làm theo. Người như vậy sau khi chết do nhân tốt lành đó nên được sanh lên các cõi trời, nếu có được trở lại làm người thì vẫn là người có cuộc sống giàu có, sung sướng; người từ sáng vào sáng cũng lại như thế.
Vì thế theo Phật nói về người ban phước giáng họa thì không phải ai ngoài chính bản thân người đó, từ cách thân, khẩu, ý của chính ta mà hình thành nên tương lai của mình chứ không ai khác.
Không có ai ban phước giáng họa
Ngày xưa, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của con người mà những người có quyền lực hơn đã tự đã đặt ra những quy định, cho rằng mình là hơn người, trở thành đấng quyền năng và tự xưngmình là Thiên tử, tức con trời, để trị vì thiên hạ từ đó họ cho rằng họ là người có thể ban phước, giáng họa cho chúng sinh. Các giai cấp này được sắp đặt và hình thành theo hệ thống pháp lý dựa theo truyền thống xa xưa có một đấng tối cao ban phước giáng họa trên thế gian này.
Ví dụ như theo quan niệm phong kiến cổ xưa, ai sanh ra thuộc giai cấp nào thì trước sau phải chịu như vậy, không thể nào thay đổi được, thế mới có quan niệm: “Con vua lại làm vua, con sãi ở chùa đi quét lá đa”.
Nhưng qua câu chuyện trên về Đức Phật ta có thể thấy không có ai ban phước giáng họa cho ai, mà chính chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình. Một người sinh ra như thế nào thì tự họ có quyền chọn cách sống để trở thành hạng người nào trong 4 hạng người trên.
Hay nói cách khác là mọi việc đều có thể thay đổi và cải thiện tốt hơn, quan trọng là ta đủ mạnh mẽ theo đuổi đến cùng hay không mà thôi. Mọi thứ đều thay đổi khôn lường, không có gì là bất biến, cố định cả. Hơn nữa, nhờ cuộc sống văn minh ở hiện tại mà đủ giúp chúng ta nhận thức được rằng, mọi hiện tượng sự vật trên thế gian đều do nhiều nguyên nhân hợp lại, không có cái gì do một nhân mà hình thành. Vì thế, Phật cũng không thần thánh hóa vai trò của mình và nhận định rằng ai cũng có Phật tính trong tâm.
Hạng người thứ nhất theo lời Phật nói là hạng người kém phước đức do không biết làm các việc thiện lành tốt đẹp, lại không gặp được thầy hiền bạn tốt nên suốt đời sống trong đau khổ lầm mê.
Do đời trước làm các việc bất thiện hại người, hại vật nên đời này sanh chỗ xấu ác, lại không được học hỏi, trau dồi kiến thức, không biết nhận định đúng sai nên đành chấp nhận cuộc đời giống như bèo dạt mây trôi, sống trong phiền muộn, khổ đau, cuối cùng rơi vào chỗ tối tăm, mờ mịt, lại tiếp tục gây tạo nghiệp nhân xấu ác, do đó đành phải chịu mãi mãi ở chỗ tối tăm.
Hạng người này đáng thương hơn đáng trách, vì họ không đủ phước duyên thân cận thầy lành bạn tốt nên chúng ta cần phải quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kết duyên lành với họ, làm sao để gần gũi họ mà có cơ hội sẻ chia từ vật chất đến phương tiện tinh thần, hướng dẫn cho họ biết tin sâu nhân quả để khắc phục bớt việc làm có hại cho người và vật. Hạng người thứ hai là hạng người biết cầu tiến, tuy trong hoàn cảnh xấu ác nhưng họ may mắn gặp được thiện hữu tri thức hướng dẫn, chỉ dạy nên nhận ra sai lầm quá khứ do mình tạo ra. Họ cố gắng siêng năng tinh cần, chịu đựng, quyết tâm khắc phục, làm mới lại chính mình bằng cách sám hối hứa chừa bỏ nghiệp nhân xấu ác và tùy theo khả năng, hoàn cảnh cuộc sống để làm việc phước thiện nên chuyển được quả xấu thành nhân tốt lành, do đó họ được từ tối vào sáng. Hạng người thứ ba tuy có phước trong hiện tại nhưng vì nhận định sai lầm theo quan điểm cố định mà đời này mặc tình gây tạo tội lỗi, đến khi phước hết họa đến đành chấp nhận chịu quả khổ đau như người từ sáng vào tối. Hạng người thứ tư là hạng người luôn tỏa sáng khắp mọi nơi vì đã tin sâu Tam bảo, tin sâu nhân quả, hiểu được giá trị của cuộc sống nên lúc nào cũng làm lợi cho chúng sinh, luôn chia sẻ phúc lộc bình an đến với mọi người trên tinh thần vô ngã, vị tha.
(Tổng hợp)